VietGap gây dựng niềm tin cho thực phẩm sạch giá rẻ
VietGap ngày càng phát huy tính năng thực phẩm sạch, đảm bào an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn. Bằng chứng là lần đầu tiên rau, thịt đạt chứng nhận VietGAP có giá bán bằng giá sản phẩm thông thường có mặt trên thị trường, đang chờ người mua tiếp nhận. Và sức hút của các mặt hàng được chứng nhận đạt chuẩn VietGap sẽ như thế nào?
Người tiêu dùng ngạc nhiên
Cuối tuần qua, khu vực các sạp thịt heo của chợ Hòa Bình (Q.5) trở nên sôi động hơn thường ngày với cảnh người mua xếp hàng trước hai sạp 124D và 125D đợi đến lượt mua thịt heo.
Hiện tượng này không phải do hai sạp trên khuyến mãi, giảm giá… mà đây là lần đầu tiên thịt heo đạt tiêu chuẩn VietGAP được bán đến tận tay người tiêu dùng, dưới sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP.HCM.
Tấm biển “Thịt heo đạt chứng nhận VietGAP”, kèm bảng niêm yết giá bán rõ ràng giăng ngay trước sạp. Không ít bà nội trợ chăm chú quan sát những tảng thịt lớn nằm trên sạp, cố nhận biết sự khác biệt so với miếng thịt heo mình mua trước đây.
Đáng chú ý là giá niêm yết vẫn như giá thịt thông thường: thịt vai, thịt nách 70.000đ/ kg, thịt đùi 75.000đ/kg, thăn, ba rọi 85.000đ/kg, sườn non 125.000đ/kg… Mức giá này đã khiến nhiều người ngạc nhiên lẫn… nghi ngờ.
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, nếu sản phẩm được một đơn vị có tiềm lực về tài chính, chăn nuôi, giết mổ, phân phối… theo một chuỗi khép kín thì giá thấp không có gì là lạ.
Những miếng thịt đạt tiêu chuẩn VietGAP phải mất khá nhiều thời gian để kết nối giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp giết mổ, tiểu thương tại chợ truyền thống… theo một chuỗi khép kín, nếu không được sự hỗ trợ về tài chính, tổ chức thực hiện sẽ khó có mức giá như sản phẩm thông thường.
Điều ông Trung nói là có cơ sở bởi ít ngày trước đây, tại hệ thống siêu thị Vinmart, mẻ rau sạch đầu tiên mang nhãn hiệu VinEco cũng chính thức ra thị trường sau sáu tháng Tập đoàn Vingroup công bố tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên quy mô lớn.
Mười bốn chủng loại khác nhau gồm: rau muống hạt, mướp đắng, mướp ngọt, cải củ ăn lá, rau dền đỏ, rau dền xanh, rau dền tía, rau lang ngọn, rau bí, xà lách, dưa chuột... được dán nhãn tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.
Vì GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam - VietGAP, hay toàn cầu - GlobalGAP) được xem như “đẳng cấp” của những nông sản mang loại tem này nên nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi giá bán khá bình dân.
Chẳng hạn, mướp khía 15.000đ/ kg, bầu sao 15.000đ, bí ngô non 12.000đ, dưa leo 10.000đ/kg… - chỉ ngang bằng hoặc cao hơn không nhiều so với những sản phẩm rau cùng loại tại các chợ.
Trong khi đó, những sản phẩm tương tự dán nhãn GAP được phân phối bởi các hợp tác xã, doanh nghiệp khác của Đà Lạt tại TP.HCM có giá cao ít nhất là gấp hai, thậm chí gấp ba, bốn lần rau của VinEco.
Đảm bảo thương hiệu bằng quy trình khép kín
Với mức giá hiện tại, VinEco là đơn vị hiếm hoi đưa được sản phẩm dán nhãn sạch giá rẻ, do đơn vị này tự trồng, tự bán, không phải qua trung gian nào. Đây là việc mà không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng thực hiện.
Tuy nhiên, cũng như bao doanh nghiệp làm rau sạch khác, thuyết phục người tiêu dùng tin vào chứng nhận trên nhãn dán một cách tuyệt đối là việc không dễ. Nguyên do, hiện nay rau củ nói chung có nhiều mức độ tiêu chuẩn như: rau thường (rau trồng đại trà), rau an toàn, rau sạch… trong khi kỹ năng nhận biết của người tiêu dùng còn hạn chế.
Mới đây, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tiến hành khảo sát cách phân biệt rau an toàn và không an toàn bằng mắt thường, kết quả cho thấy, có đến hơn 90% số người được hỏi cho biết họ không thể phân biệt.
Mặt khác, hiện có tới 20 tổ chức được Bộ NN-PTNT chỉ định chứng nhận VietGAP khiến việc thẩm định và trao chứng nhận không tránh khỏi những nghi ngờ về tính chặt chẽ. Nhiều người tiêu dùng đặt niềm tin vào lời giới thiệu từ bạn bè, người quen về độ sạch của rau hơn là tin vào nhãn mác mà các đơn vị trồng hay phân phối công bố.
Tấm biển “Thịt đạt tiêu chuẩn VietGAP”, rau VietGAP cũng chưa hẳn đủ sức thuyết phục người mua tin vào chất lượng “sạch” khi chính người bán cũng không thể thuyết phục người mua nhận biết bằng mắt thường.
Giải thích điều này, ông Nguyễn Phước Trung cho hay, thịt sạch VietGAP đã có từ lâu nhưng không thể cung ứng ra thị trường theo chuỗi được. Nhiều đơn vị như Vissan, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn… không tham gia bao tiêu được cho người nuôi vì hầu hết là chăn nuôi nhỏ lẻ khó thu mua tập trung, người nuôi không có hóa đơn mua bán…
Để có được mức giá bán bằng giá thịt heo thông thường, chuỗi cung ứng sản phẩm này đã được hỗ trợ rất nhiều, chẳng hạn quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn được Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) hỗ trợ, miễn phí thẩm định và cấp chứng nhận VietGAP, doanh nghiệp đứng ra phân phối sản phẩm này xác định chưa có lời.
Bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ An Hạ, đơn vị đứng ra thu mua heo VietGAP để giết mổ, cung cấp về chợ cho biết, mức giá bán tại chợ vẫn thấp như giá heo thường, mục đích là để người tiêu dùng có thời gian tiếp nhận và nhận biết sự khác biệt.
Ông Nguyễn Phước Trung cho biết thêm, để những miếng thịt sạch đầu tiên lên sạp chợ có một cơ chế kiểm soát riêng. Danh sách các hộ chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAP được Sở NN-PTNT giao cho hai trạm thú y Hóc Môn và Củ Chi quản lý.
Khi những con heo tại những trại nuôi này vận chuyển về lò mổ, cơ quan thú y sẽ cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, kèm theo con dấu VietGAP. Đến lò mổ, những con heo “sạch” sẽ được giết mổ ở những ô riêng. Sau giết mổ, thịt heo về chợ nào cũng sẽ được theo dõi, giám sát bằng giấy chứng nhận.
Sản phẩm rau VinEco có lợi thế hơn vì được cung cấp ngay tại hệ thống phân phối của mình. Tuy nhiên, Vinmart bán cả những sản phẩm đạt chứng nhận GAP từ các nhà vườn tại Đà Lạt nên khi tung sản phẩm đạt tiêu chuẩn do “nhà làm ra”, đơn vị này dành riêng một khu vực giúp người mua tiếp cận chính xác sản phẩm của nhà cung cấp.
Tất cả sản phẩm sẽ được đóng gói, dán tem 100% của VinEco. Đại diện Vingroup giải thích, để tránh tình trạng hàng nhái hàng giả, đảm bảo an toàn cho người mua, sản phẩm rau sạch của VinEco sẽ chỉ được phân phối qua hệ thống siêu thị Vinmart và các cửa hàng tiện ích Vinmart+ trên toàn quốc.
Tận mắt chứng kiến sản phẩm thịt heo của mình và bà con được đưa ra chợ, được treo biển heo sạch, ông Võ Thiết Mộc, hộ nuôi heo VietGAP tại H.Củ Chi chia sẻ, ông nuôi theo quy trình này từ hơn hai năm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, heo không bệnh, không chết, hạn chế thuốc men… Những chi phí này tiết giảm nên đầu vào chăn nuôi cũng được tiết giảm.
Một lứa heo tính từ lúc heo cai sữa đến lúc xuất chuồng từ 5-5,5 tháng. Hàng ngày heo nuôi ăn loại cám gì, heo bệnh được chích loại thuốc gì các hộ nuôi phải ghi chép vào sổ theo dõi.
Sau khi xuất chuồng, trong hạn đị nh, heo không được phép dùng thuốc, đặc biệt là các loại kháng sinh. Định kỳ phải lấy thức ăn của heo để xét nghiệm… Tuy nhiên, đã có không ít lần các doanh nghiệp hứa hẹn thu mua rồi bỏ đó khiến đàn heo sạch bị “đối xử” như heo thường.
Giờ đây, với việc được thu mua và treo biển nhận diện, ông Mộc và nhiều người nuôi như có thêm động lực để tiếp tục theo đuổi việc chăn nuôi heo sạch.
Đăng Thư
Lời kết của UCI: Vậy để hiểu rõ hơn thế nào là tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và VietGap là gi? và làm thế nào để tạo ra một sản phẩm đảm bảo chất lượng bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và hơn thế nữa là sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu?,...Tất cả đều được tham vấn trong khóa học Chuyên gia hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (FSMS) tại Viện UCI.
Viện UCI tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét